Cách đây hơn 20 năm, khi bàn về việc giải tỏa nút thắt ngã tư Kim Liên- Đại Cồ Việt, tranh cãi lớn đã nổ ra về việc làm hầm chui hay cầu vượt.

Cách đây hơn 20 năm, khi bàn về việc giải tỏa nút thắt ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, tranh cãi lớn đã nổ ra về việc làm hầm chui hay cầu vượt.

Tựu chung, có hai luồng ý kiến. Nếu làm cầu vượt thì nhanh, rẻ nhưng mất mỹ quan đô thị. Bởi ngã tư này nằm cạnh công viên Thống Nhất, một điểm nhấn của diện mạo thủ đô. Nó còn nằm trong nội đô, dù sau này phát triển thế nào thì việc giữ vẻ đẹp ít nhất trong nội đô của thủ đô ngàn năm văn hiến là rất cần thiết.  Luồng ý kiến thứ hai là làm hầm chui, chi phí đắt gấp nhiều lần, thời gian thi công lâu nhưng đảm bảo mỹ quan đô thị. Việc của Hà Nội nhưng được đẩy tới Chính phủ. Cuối cùng Chính phủ chọn phương án làm hầm chui.

Thời điểm đó, tốc độ đô thị hóa chậm hơn những năm gần đây rất nhiều. Tiềm lực kinh tế cả nước cũng như thủ đô  cũng chưa phát triển như hiện nay nhưng những người có trách nhiệm đã bàn bạc rất kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến nhiều chiều, thận trọng khi quyết định và cuối cùng phương án ngả về phía giữ vẻ đẹp đã được lựa chọn.

Thời điểm đầu năm 1990, Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành, 5 huyện ngoại thành. Nổi tiếng về đất chật, người đông, quá trình đô thị hóa bắt đầu được đẩy nhanh thì việc chỉnh trang đô thị hướng tới một thủ đô có cảnh quan, kiến trúc đẹp là rất khó. Bởi lẽ, ngoài điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, thì phần lớn tại các quận huyện này đã định hình hạ tầng, kiến trúc, xây dựng. Việc mở rộng, chỉnh trang chủ yếu về hạ tầng giao thông.